Tính giáo dục trong truyện thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Trẻ em thường thích nghe kể chuyện. Nhưng với trẻ, thích nhất vẫn là tự kể những câu chuyện về chính mình, về bè bạn hoặc được nghe kể những câu chuyện liên quan đến lứa tuổi của mình. Trẻ em có một thế giới riêng mà người lớn không phải ai cũng biết và hiểu được. Viết truyện cho trẻ vì vậy không đơn giản. Nhà văn nếu không giữ tâm hồn trong trẻo, không nhìn cuộc sống bằng “đôi mắt xanh non”, không hoá thân thành trẻ nhỏ chắc chắn không thể thành người kể chuyện của thiếu nhi. Điều đáng nói là, phần thưởng dành cho Nguyễn Nhật Ánh không ở danh hiệu mà ở sự “chấp nhận” của trẻ. Thiếu nhi Việt Nam chấp nhận, yêu mến Nguyễn Nhật Ánh vì anh hiểu chúng, anh kể về chúng chứ không chỉ kể chuyện cho chúng nghe. Có sự khác biệt lớn giữa việc kể chuyện cho thiếu nhi và kể chuyện về thiếu nhi. Nguyễn Nhật Ánh không chỉ kể chuyện cho thiếu nhi, kể chuyện về thiếu nhi mà ông còn là người – kể – chuyện – của – thiếu – nhi.
Ở truyện kể thiếu nhi, đối tượng tiếp nhận là thiếu nhi và đối tượng phản ánh thường cũng là thiếu nhi. Như vậy, giữa nhà văn và độc giả (thiếu nhi) đã thiết lập một mối quan hệ. Mối quan hệ đó không trực tiếp thông qua ngôn ngữ giao tiếp mà thông qua ý tưởng của nhà văn được gửi gắm qua nhân vật người kể chuyện. Người đọc (trẻ em) cảm nhận câu chuyện qua vai trò trung gian của người kể chuyện. Chúng tôi gọi Nguyễn Nhật Ánh là người kể chuyện của thiếu nhi với hàm ý rằng Nguyễn Nhật Ánh là tác giả của những câu chuyện về thiếu nhi, dành cho thiếu nhi, khi anh đóng vai người kể chuyện toàn tri, hay thậm chí khi anh hóa thân thành những vai kể khác. Bởi với thiếu nhi, việc ai thực sự là chủ thể trần thuật trong truyện kể không quan trọng bằng ai mới là người đem lại những chuyện kể ấy. Với thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh như là nàng Scheherazade trong Nghìn lẻ một đêm cùng những câu chuyện bất tận.
Có thể xem Nguyễn Nhật Ánh là người kể chuyện của thiếu nhi, nhưng là một người lớn ngoái nhìn về tuổi thơ, dùng con mắt của tuổi thơ để kể chuyện. Điều này khiến một số truyện của Nguyễn Nhật Ánh khó xếp vào văn học thiếu nhi (chẳng hạn như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Lá nằm trong lá?). Sự mở rộng biên độ này (trẻ em và người lớn đều có thể đọc và đều thấy phù hợp với tầm đón nhận của mình) là bởi Nguyễn Nhật Ánh không có ý định giấu giọng tác giả, “giọng người lớn” (ngay cả trong các truyện kể chỉ dành riêng cho thiếu nhi). Xen giữa những lời kể mang cái nhìn trẻ thơ là những ngẫm nghĩ mang đậm chất triết lí. Nhiều triết lí trong truyện là những nhắn nhủ của tác giả với thiếu nhi, và với cả người lớn: “Nhìn thấy nắng sau những ngày mưa là một điều thú vị. Nhưng ngay cả trong những ngày mưa, nếu ta chịu mở ra mọi giác quan như một ngôi nhà mở tung các cửa sổ, ta cũng sẽ đón nhận được những cảm xúc tuyệt vời”; “Nếu chúng ta vẫn luôn sống trong ký ức của một ai đó, chúng ta sẽ không bao giờ chết”; hay “Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của giấc mơ không phải ở chỗ nó có phù hợp với khả năng thực tế hay không. Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với cảm xúc của riêng bạn…” (Tôi là Bêtô).
Người đánh thức tuổi thơ
Chẳng riêng giới chuyên môn, hầu hết người đọc Việt Nam khi nói đến nhà văn cũng khó mà không nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh! Anh là nhà văn hiếm hoi “nhẵn” tên và “nhẵn” cả mặt với độc giả. Riêng trẻ em, nghe đâu để chứng tỏ ta đây là người sành đọc truyện thiếu nhi thì phải chứng minh được đã đọc ít nhất vài ba truyện của Nguyễn Nhật Ánh.
Ai chẳng có tuổi thơ? Có người không muốn nhớ, có người cố tình quên, Nguyễn Nhật Ánh cho biết anh chẳng dại gì mà không nhớ hay lãng quên. Anh xem nó như một kho báu, cất giữ, nâng niu cẩn thận. Mỗi ngày lại thăm chừng, mang ra một ít để dùng từ năm này qua năm khác, ngót hơn 30 năm qua, những Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối, Thằng quỷ nhỏ, Bong bóng lên trời, Bàn có năm chỗ ngồi, Bắt đền hoa sứ, Những cô em gái, Những chàng trai xấu tính, Hoa hồng xứ khác, Còn chút gì để nhớ, Phòng trọ ba người, Mắt biếc, Hạ đỏ, Trại hoa vàng… mà kho báu ấy vẫn chưa hề vơi cạn.
Ai cũng biết tuổi thơ là vùng đất béo bở nhưng nếu khai thác không khéo sẽ giống như giả nai. Đối với Nguyễn Nhật Ánh, hay nói đúng hơn là với truyện Nguyễn Nhật Ánh, tuổi thơ là những hình ảnh, trò chơi gần gũi, quen thuộc đến không thể nào gần gũi, quen thuộc hơn được nữa. Anh viết, anh kể hồn nhiên, trong sáng như trăng rằm mùa thu; ca ngợi một cách chân thành, không chút bịa đặt, thêm bớt. Kỳ thay, anh viết tuổi thơ của mình và đôi khi của người khác (xen lẫn một ít thôi) nhưng cực kỳ chân thật. Toàn bộ bí quyết của anh là ở đây. Ai rồi cũng sẽ già, riêng Nguyễn Nhật Ánh cứ trẻ đến tận cùng. Dù anh tuyên bố viết truyện cho trẻ xem nhưng người lớn xem cũng là bình thường. Ai đọc cũng được, chẳng phụ thuộc vào trình độ, lứa tuổi, giới tính. Chỉ có đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh, “trẻ em tìm thấy tuổi thơ sinh động, hồn nhiên, chân thật của chính mình; còn người lớn thì nhận được những “tấm vé” về lại tuổi thơ” – nói như TS Thái Phan Vàng Anh.