Mách mẹ cách quan sát những biểu hiện của trẻ để bổ sung vitamin phù hợp.
Vitamin cực kì cần thiết để hỗ trợ con hấp thu tốt và tăng trưởng toàn diện về thể chất, trí tuệ. Vì vậy, khi thiếu một loại vitamin nào đó, cơ thể bé sẽ “biểu tình” bằng những biểu hiện rất dễ dàng để nhận thấy. Mẹ hãy để ý xem con đang thiếu vitamin nào dưới đây nhé!
Vitamin A
Khô mắt là dấu hiệu đặc trưng nhất khi bé bị thiếu vitamin A. Mẹ có thể thấy bé sợ ánh sáng, ít nước mắt; đồng thời da con thô ráp, bong vảy, sần sùi.
Bé thiếu vitamin A thường chậm lớn, mệt mỏi và không chịu chơi. Vì vậy mẹ phải lập tức bổ sung vitamin này cho bé bằng cách cho con bú sữa mẹ, ăn bổ sung và uống vitamin A định kì 6 tháng/lần. Chế độ ăn của bé nên giàu mỡ và bổ sung thêm nhiều loại thức ăn có chứa vitamin A như gấc, đu đủ, rau ngót, trứng, gan,…
Vitamin B1
Nếu bé nhà bạn không tăng cân, nước tiểu ít và hay quấy khóc, chán ăn, rối loạn tiêu hóa (táo bón hoặc tiêu chảy) thì có thể bé đang thiếu vitamin B1. Đây là vitamin rất cần để tổng hợp ra acetincholin, nếu thiếu sẽ làm tổn thương các chức năng thần kinh của bé.
Cho con ăn thức ăn phong phú để bổ sung các vitamin cần thiết. (Ảnh minh họa)
Vitamin B1 rất dồi dào trong sữa mẹ, sữa bò, trứng, ngũ cốc nguyên cám,… nên mẹ có thể bổ sung những loại thực phẩm này vào thực đơn của con. Mẹ cũng nên lưu ý là vitamin B1 sẽ bị phá hủy khi ở nhiệt độ cao, vì thế không nên nấu rau, ngũ cốc quá chín.
Ngoài ra, khi bé đang thiếu vitamin B1 thì có thể cho con uống hay tiêm vitamin B1 liều cao, sau đó giảm dần theo chỉ định của bác sĩ.
Vitamin B6
Thiếu vitamin B6, bé hay xuất hiện các triệu chứng quấy khóc đêm, người luôn nôn nóng, sốt ruột, ngủ chập chờn, giấc ngủ không sâu, buồn nôn, thậm chí bị chứng phong rút, bị động kinh.
Vitamin B6 có trong nhiều loại rau quả, ngũ cốc,… Tuy nhiên, khi chế biến lượng vitamin B6 thường khó giữ được. Thậm chí ngay cả hoa quả đông lạnh cũng bị giảm khoảng 15% lượng vitamin B6 so với hoa quả tươi. Vì vậy, mẹ có thể cho bé ăn thêm hoa quả tươi (chuối, dưa hấu,…), ăn ngũ cốc nguyên chất. Ngoài ra, mẹ chỉ nên nấu những thực phẩm giàu vitamin B6 cũng nhau. Lý do là vì khi nấu chung với những thực phẩm giàu axit khác như cam, cà chua,… hàm lượng vitamin B6 sẽ bị mất đi phần lớn.
Vitamin B12
Biểu hiện ở bé bị thiếu vitamin B12 là sắc mặt trắng bệch, lông tóc hơi vàng, thần kinh không phấn chấn, không muốn ăn, nôn mửa, tiêu chảy… Khi đó cần cho bé uống vitamin B12 ngay theo hướng dẫn của bác sĩ.
Vitamin C
Bé thiếu vitamin C thường hay kêu đau, mỏi toàn thân, đồng thời dễ bị sún răng, răng vàng, lợi sưng đỏ. Lúc này, mẹ cần cho con uống thêm vitamin C và các loại nước ép, sinh tố từ cam, bơ, cà chua, bưởi,… để bổ sung lượng vitamin còn thiếu.
Vitamin D
Nếu mẹ thấy bé hay bị đổ mồ hôi trộm, đầu mềm, tóc rụng hình vành khăn, răng mọc chậm, lâu biết bò, đi; khi ngủ trẻ hay bị giật mình, bực tức, khó chịu… thì chắc chắn con bị thiếu vitamin D. Sự thiếu hụt vitamin D dẫn đến việc phá huỷ sự trao đổi canxi và phốt pho, dẫn tới bệnh còi xương – biến dạng xương do sự rối loạn các quá trình khoáng hoá các chất của chúng.
Thực phẩm giàu vitamin D. (Ảnh minh họa)
Để bổ sung vitamin D, hãy thêm vào thực đơn của bé (hoặc của mẹ nếu bạn đang cho con bú) các thực phẩm như sữa, bơ, gan, dầu gan cá (cá ngừ, cá hồi), lòng đỏ trứng. Đặc biệt khi được phơi nắng vào buổi sáng, da của bé có thể tổng hợp được 90% nhu cầu vitamin D cho một ngày.
Vitamin PP
Bé bị thiếu vitamin PP thường bị tiêu chảy, phân giống như nhầy mũi hoặc có máu. Ngoài ra bé hay bị viêm miệng và lưỡi, không ngủ được, bị ảo giác, ù tai, giảm trí nhớ,…. Thiếu vitamin PP sẽ cực kì nguy hiểm vì nếu không bổ sung kịp thời, bé có thể tử vong do viêm phổi, viêm thận.
Vitamin PP có trong các nguồn thực phẩm như: thịt, cá, sữa, trứng, rau xanh, ngũ cốc… Tuy nhiên, ở một số ngũ cốc như ngô, vitamin PP ở dạng liên kết khó hấp thu. Vì thế, các bé ăn dặm mà thành phần chủ yếu là ngũ cốc sẽ có nhiều nguy cơ bị thiếu vitamin PP.
Để giải quyết tình trạng này, mẹ hãy cho bé uống vitamin PP theo chỉ định của bác sĩ và bổ sung thêm thực phẩm một cách phong phú vào khẩu phần ăn.
Vitamin K
Tất cả các trường hợp bị chảy máu (chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu ở da, niêm mạc…) ở trẻ cần phải nghĩ ngay tới thiếu vitamin K. Ngoài ra, khi thấy trẻ bỏ bú, quấy khóc, khóc thét, co giật… nhất là trẻ ở lứa tuổi từ sơ sinh đến 2 tháng tuổi thì mẹ cần đặc biệt lưu ý nguy cơ xuất huyết não mà một trong những căn nguyên hay gặp là do thiếu vitamin K.
Thiếu vitamin K thường xảy ra ở bé sơ sinh (vào khoảng 3 – 5 ngày sau sinh) vì lúc này vi khuẩn đường ruột chưa tổng hợp đủ vitamin K. Nếu thiếu hay không hấp thu được vitamin K ở ruột sẽ làm giảm prothrombin máu và giảm sự tổng hợp proconvertin ở gan.
Thông thường, thai phụ sẽ được uống hoặc tiêm vitamin K trước khi sinh và cho trẻ uống hay tiêm vitamin K ngay sau khi sinh. Đó là cách tốt nhất phòng thiếu vitamin K ở trẻ.
Việc bổ sung vitamin cho bé là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy bé có các biểu hiện thiếu vitamin như đã nêu cần đưa trẻ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Mẹ tuyệt đối không được tự ý cho con uống vitamin vì việc này có thể gây ngộ độc cho con. Nên nhớ rằng, ngay cả khi thừa vitamin thì cũng rất không có lợi cho trẻ.